Cuộc gọi nhỡ lúc nửa đêm

Đêm qua mình có một cuộc gọi nhỡ từ số lạ vào lúc 1h, mà sáng nay dậy mới biết. Phản xạ đầu tiên của mình là hoảng sợ.

Ảnh: The Nightline của Sarah Walker (nguồn: aussietheatre.com)

Hồi bà ngoại ốm, mẹ luôn trằn trọc hàng đêm để sẵn sàng lập cập vồ lấy điện thoại mỗi khi có cuộc gọi đến. Những cuộc gọi trong đêm luôn là những cuộc gọi quan trọng mà không ai muốn bỏ lỡ cả. Ngày đó, điện thoại di động đã có rồi, nhưng những cuộc gọi quan trọng thường sẽ gọi tới máy bàn, vì điện thoại di động có thể ở chỗ này chỗ khác nên lỡ mất, còn điện thoại bàn sẽ luôn có người nhấc máy. Tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm rất hiếm khi mang theo một tin vui.

Thế rồi bà ngoại mất vào ban sáng. Tới giờ mẹ vẫn bận tâm về chuyện không có ai ở bên cạnh bà vào những thời khắc cuối cùng. 

Vài năm sau, đến lượt bà nội ốm. Mà thực ra không cần bà ốm thì những cuộc điện thoại lúc nửa đêm cũng đều gây niềm lo lắng cả, vì bà cũng gần trăm tuổi rồi, biết đâu tự dưng bà lại nổi hứng trèo qua cửa sổ rồi biến mất. Lúc này điện thoại di động phổ biến lắm rồi, nhưng nhà mình vẫn giữ lại máy bàn. Không ai muốn bỏ lỡ một cuộc gọi lúc nửa đêm, cho dù chưa chắc nó đã diễn ra. Bà nội ốm rất lâu, rồi không khỏi nhưng khỏe. Sau này bà thỉnh thoảng có hơi lẫn một tí, còn lại vẫn tuyệt đỉnh thông minh thể hiện qua chuyện bà vẫn biết nói đùa rất duyên. Không có cuộc gọi lúc nửa đêm nào cả, và bà mất và một buổi sáng khác.

Đến giờ, mỗi lần đi xa, dù là đi chơi hay đi công tác, mình luôn để điện thoại ở chế độ chuông. Bản thân nỗi sợ không kéo díu những sự kiện lại với nhau hay làm chúng giãn ra. Nỗi sợ hãi chỉ lặng lẽ ở đó. Chẳng có biện pháp quản trị rủi ro nào khiến rủi ro tuyệt đối không xảy đến cả, nhất là rủi ro không thể tránh khỏi. Đến một thời điểm nào đó, bạn cũng sẽ bắt đầu cảm thấy sức nặng của những cuộc gọi vào lúc nửa đêm, bởi con đường trưởng thành của ta được đánh dấu bằng sự rời xa của những người thân thuộc.

Cuộc gọi nhỡ đêm qua tới số máy của mình có lẽ là nhầm số, vì nếu thấy mình không bắt máy, người ta đã có thể gọi thêm lần nữa hay nhắn lại một cái tin. Mình đã gọi lại rồi, không phải số tổng đài tự động hay số lừa đảo, nhưng không ai nghe. Dù không dành cho mình, nó có lẽ vẫn là một cuộc gọi quan trọng với ai đó ngoài kia. Mong bình an sẽ ở bên người, cho dịu đi giông gió trên đời.

Theo dõi blog

11 Comments

  1. April 16, 2021
    Reply

    Đúng quá anh ạ. Em sợ cuộc gọi sau 10h và trước 7h, “ bởi con đường trưởng thành của ta được đánh dấu bằng sự rời xa của những người thân thuộc”.

    • Thăng Long đệ bét kiếm
      April 16, 2021
      Reply

      chẳng biết rep gì, he he. Chả lẽ lại chúc mừng vì khi bắt đầu có cảm giác sợ nghĩa là bạn đã có kha khá tuổi và kha khá trưởng thành rồi.

      Thật ra nỗi sợ này với mình cũng như nỗi sợ… tiêm, nghĩa là một tích tắc trước khi mũi tiêm đâm vào mới là lúc đáng sợ nhất. Còn cái gì đã không thể tránh khỏi, thì không cần cố tránh làm gì cho mệt. Cuộc sống mong manh lắm, còn sự chia ly dễ như một cái búng tay. Hôm nay (hay hôm qua nhỉ) là kỷ niệm 7 năm phà Sewol bị chìm. Đọc những tin nhắn cuối cùng của bọn nhỏ thấy buồn ghê.

      • April 17, 2021
        Reply

        Khá tuổi và trưởng thành là điều em sợ :)

  2. April 19, 2021
    Reply

    “bởi con đường trưởng thành của ta được đánh dấu bằng sự rời xa của những người thân thuộc” đây có lẽ là 1 trong những cái giá đau nhất của sự trưởng thành.

    • Thăng Long đệ bét kiếm
      April 19, 2021
      Reply

      không phải đâu, vì bạn hoàn toàn có thể mất đi tất cả mọi người song vẫn không trưởng thành cơ mà. Mặt khác, nếu là giá thì còn mặc cả được, chứ đây thì không. Mình dùng từ “đánh dấu” là bởi nó giống như đi một con đường nhiều cảnh đẹp hai bên thì có những chỗ gập ghềnh, hay trời nắng rồi có lúc trời mưa thôi. Bản thân sự gập ghềnh không xấu, cũng như ngày xấu trời chưa chắc đã là ngày xấu, chỉ đơn giản là những điều không thể tránh khỏi.

      • April 19, 2021
        Reply

        em cũng không nghĩ nhiều khi viết bình luận vậy. Đúng là không mặc cả được gì, nó là một điều tất yếu phải đến trong cuộc sống. Em vô thức dùng chữ “giá” chắc vì em cảm thấy sau sự mất đi của một ai đó trong đời mình, bản thân sẽ tự nhận thức ra những điều gì đó. Hồi em cấp 2, người chị họ thường đèo em trên xe đi chơi, chị ấy mất trong 1 tai nạn. Lúc nghe tin ấy, em cảm thấy “rất khó tin”, em cũng thấy rất khó hiểu về cuộc sống. Giống như là, tại sao 1 người còn sống động trong ký ức của mình như vậy, lại có thể mất đi. Ngày hôm ấy em cũng ngồi viết nhật ký và cả blog rồi uy nghĩ rất nhiều, em cũng không nhớ mình nghĩ gì. Nhưng sau lần ấy, em cảm thấy mình già đi một phần, bừng tỉnh rằng cuộc đời có những quy luật mà ko ai cưỡng lại được. Em cũng chỉ nói lan man vậy, giải thích ý của mình, vì chắc lần nào tiếp nhận những sự ra đi, em bớt “không tin nổi” nhưng không bao giờ mất đi. Hic, em nói linh tinh quá, nhưng em suy nghĩ kiểu vậy.

        • Thăng Long đệ bét kiếm
          April 19, 2021
          Reply

          mình hiểu. Ý mình là nó sẽ đến như một sự không tránh khỏi. Khi đã biết thế rồi, thay vì phập phồng hay để nỗi sợ lấn át niềm vui thì mình có thể coi nỗi sợ là một niềm vui. Mà như vậy, mình cũng sẽ không quá nuối tiếc với những được mất nữa, vì chúng ta chỉ đi cùng nhau trên một chuyến tàu, người lên trước, người lên sau, rồi có những người xuống ga trước mình, có người xuống sau mình. Ngay cả mình cũng có thể bị đuổi xuống tàu bất cứ lúc nào đấy thôi.

          • April 20, 2021
            Reply

            anh nói giống bạn em ghê. Em thì chưa đạt tới tâm thế bình tĩnh ấy, nên mỗi lần bạn em nói “biết đâu hôm nay là ngày cuối” em lại mắng “nói xui”. Bạn cãi “Cuộc sống mà”. Biết là thế nhưng em vẫn không bình thản được. Vì sao có người bình thản được, còn em vẫn cứ phập phồng vì nó dẫu biết là vô ích. Ha ha em lại lảm nhảm nữa rồi.

            • Thăng Long đệ bét kiếm
              April 20, 2021
              Reply

              mình chỉ nghĩ là cái gì mình không thể can thiệp được thì sao phải mất công bận tâm về nó làm gì cho mắc mệt. Thay vào đó, mình nên dành thời gian cho những thứ mình có thể đụng chạm và thay đổi thôi.

              • April 20, 2021

                chỉ là cái tính đa sầu đa cảm và hay nghĩ quá của em (hay của con gái nói chung ta). Nhận thức số mệnh con người cũng làm em thay đổi cách cư xử với bố mẹ hơn, theo hướng là ít hối tiếc nhất nếu có gì đột ngột xảy ra.

  3. April 20, 2021
    Reply

    À nói ra thì em vẫn còn nhỏ tuổi nhưng cũng có một nỗi sợ về những ngày đáng-lẽ-là-một ngày-bình-thường. Có hai lần một ngày như vậy rồi nên về sau em cứ mong ngày bình thường chỉ là ngày bình thường thôi, để không phải thở dài nói câu đó nữa. Với lại em với nhà thường chỉ gọi tám nhảm qua mess mấy tiếng đồng hồ mỗi tối, hầu như rất ít khi gọi điện thoại, nên nếu có ngày có số từ người nhà gọi vào giữa ban ngày em thường trật tim mất một hai nhịp trong sự lo lắng, có lẽ cảm giác như bạn lúc nhận cuộc gọi đêm.
    Ơ dù sao vẫn sợ mấy thứ bất chợt ghê nhỉ ;__;