Sát thủ đầu mưng mủ: thì bôi thuốc sát trùng

Trên mạng đang đầy link chia sẻ cuốn sách này, của Thành Phong vẽ, Nhã Nam và nhà Mỹ Thuật xuất bản. Mình cũng down về đọc thử, thấy đúng là một quyển sách nhạt nhẽo vô vị. Lướt qua hết mà không nhếch môi lên cười được phát nào. Không ngạc nhiên vì có nhiều ý kiến trái chiều, người bảo cuốn sách này rác rưởi, người thì tung hô là hay ho và sâu sắc. Cũng giống như hài kiểu Mr Bean vậy thôi, có người thấy là hay, có người thấy dở. Mình nằm ở phe thấy dở.

Sai lầm đầu tiên của tác giả là cố biến văn hóa vỉa hè đầu đường xó chợ thành một văn hóa phẩm chính thức. Có những cái chỉ thích hợp với đường phố mà thôi, cũng giống như mình thấy ăn phở hoặc bún đậu mắm tôm trong restaurant sang trọng là một trong những điều cực kỳ ngớ ngẩn. Những câu nói được thể hiện trong “sách” thực ra là khẩu ngữ, nghĩa là chỗ của nó là ở cái mồm, không phải trang giấy.

Sai lầm thứ hai là trong số những câu tạm gọi là thành ngữ đương đại, có quá nhiều câu na ná nhau, và trong quá trình minh họa, Thành Phong tỏ ra bí ý tưởng, trở thành lặp lại chính mình. Cơ bản là ngay từ trong những câu đó đã chả bao hàm tí nghĩa lý nào rồi. Cố gán cho nó ý nghĩa bằng tranh chỉ là một nỗ lực vô vọng.

Mặt khác, mình thấy nhiều tranh rất phản cảm. Tại sao minh họa cho câu “Tay nhặt lá, chân đá ống bơ” lại là hình một chị công nhân vệ sinh, trong khi ai cũng hiểu nội hàm ý nghĩa câu này là diễn tả điều gì ? Đừng cố bẻ ngoẹo bức tranh thành miêu tả chị quét rác vô cùng vất vả, làm mãi không hết việc, vừa phải nhặt lá vừa phải đá ống bơ (đây là làm việc ?). Kiểu suy diễn đấy nhạt nhẽo thiếu muối lắm.

Cũng đừng nên gọi cái mớ này là thành ngữ, như thế chẳng hóa coi rẻ kho tàng thành ngữ của cha ông quá, mà cũng coi rẻ thế hệ đương đại quá. Như đã nói ở trên, nó chỉ là khẩu ngữ mà thôi.

Đồng ý là tranh có một vài điểm sáng về mặt ý tưởng, như minh họa của “Đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm”, tuy nhiên những tranh như thế này quá ít, mà cùng lắm cũng chỉ ở tầm tranh biếm họa trên báo, không đáng để in thành sách.

Mình đã từng đọc – đúng hơn là xem – một số tác phẩm khác của Thành Phong như Long Thần Tướng và một số truyện tranh lẻ. Hồi đó Long Thần Tướng được lăng xê ghê lắm, nhưng mình không có ấn tượng sâu sắc nào. Tưởng giếng sâu em nối sợi gầu dài, ai ngờ nước giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây.

Tác giả Thành Phong đang kêu gào về chuyện mọi người đưa link download lên mạng rồi chia sẻ tóe tòe loe. Mình nghĩ cái của nợ này không xứng đáng được gọi là một cuốn sách, và bất cứ ai bảo vệ cuốn sách này, hãy thử nghĩ xem, sau khi đọc xong, bạn có muốn mua nó nữa không, và bạn có đọc lại đến lần thứ 2 hay không ? Bạn có muốn con bạn, cháu bạn được đọc một cuốn sách như thế này hay không ?

Vòng quanh sô cô la, bánh đa, sữa đậu nành, sống hay chết, trả lời ngay ?

Theo dõi blog

9 Comments

  1. Bình Yê
    October 23, 2011
    Reply

    Câu cuối cùng là trích từ trong sách đấy hả ?

    • Lửa
      October 23, 2011
      Reply

      không, câu cuối cùng là trong một trò chơi hồi mình còn bé ấy mà. Sách đấy làm sao có được những câu thâm thúy như thế :))

  2. xuanlt
    October 23, 2011
    Reply

    Cá nhân em thì thấy thú vị anh ạ. Bởi vì em thấy nó gần gũi và giải trí được.

    • Lửa
      October 23, 2011
      Reply

      nếu chỉ cần giải trí như thế thì anh có thể ngồi đọc hàng đống truyện cười trên mạng, chả việc gì phải mua sách và giở sách ra. Chú có tự trả lời được những câu anh hỏi ở cuối kia ko ?

      • xuanlt
        October 23, 2011
        Reply

        Thực tế là em đã mua nó, đã xem qua hơn hai lần. Còn việc em có muốn con cháu xem không thì em không trả lời trước được.

        Anh đánh giá nó trên khía cạnh nội dung, em đánh giá nó trên khía cạnh mỹ thuật, tác giả đứng trên khía cạnh thương mại. Các quan điểm hoàn toàn khác nhau, anh có lý của anh, em có lý của em, người ta cũng có cái lý của người ta. Chung quy lại là một chữ "tùy" :))

        • Lửa
          October 24, 2011
          Reply

          Anh nghĩ là một văn hóa phẩm dưới dạng sách thì trước hết nên oánh giá ở khía cạnh nội dung. Nếu muốn đưa mỹ thuật hoặc thương mại lên đầu thì nên chuyển sang thể loại khác hoặc đi buôn cái khác.

          In thành sách khác với để những nội dung cũng như thế nhưng tồn tại dưới dạng văn hóa dân gian (tạm gọi thế – anh tin là với độ lùi thời gian, cái loại văn hóa dân gian thế này sẽ sớm bị đào thải), dạng không chính thống hoặc bán chính thống. Anh có thể sử dụng kiểu già như trái cà, đói như con chó sói trong văn nói thông tục, nhưng với những gì thực sự cần nghiêm túc thì chắc chắn không dùng. Nó cũng giống như anh hoàn toàn không phản đối viết tắt kiểu đc, ko trong nhiều tình huống giao tiếp mạng, nhưng nhất định không được đưa vào bài tập làm văn vậy.

          Nhiều người bảo văn hóa là cái tự nó sàng lọc ra, không cần bảo vệ, thực ra là vớ vẩn.

  3. Linh Linh
    October 24, 2011
    Reply

    Nếu cho tớ chọn thì tớ thà bỏ 45K, mà nếu mua ở Đinh Lễ thì là 36K để cho các em bé bán báo còn hơn mua quyển này @-) Tớ thấy nó nhảm kinh khiếp và những người yêu-văn-chương thực sự sẽ không bao giờ chấp nhận loại này.

  4. Thu Huong
    October 30, 2011
    Reply

    Tôi nằm ở phe thấy dở. Kể cả nó có giương lên cái biển "giải trí" hay "for fun" thì nó vẫn phần lớn nhạt nhẽo và ngớ ngẩn. Thời đại bây giờ ko đến mức thiếu các nhân tài viết sách để xuất bản cái thể loại ý thành quyển và đem bán.

    • Lửa
      October 30, 2011
      Reply

      ờ, tôi thấy với những người có khả năng biết đâu là hài hước một cách không thiếu muối thì cuốn này không có khả năng cù cho cười tí nào. Còn riêng bà thì viết xừ nó hồi ký hoặc tự truyện có khi còn đắt hàng gấp mấy Sát thủ ấy chứ

Leave a Reply to LửaCancel reply