Tai trâu

Nếu giờ có một cuộc thi xem ai sở hữu đôi tai trâu vĩ đại nhất thế giới, đích thị mình sẽ nằm trong top 2, suýt đạt kỷ lục Guiness, không phải bởi độ “tai” mà là bởi độ “trâu”. Ai là thằng nằm ở số 1 thì mình chịu.

Mấy hôm trước nói chuyện với bạn TE, chả hiểu đầu tiên là chủ đề gì, hình như về chuyện bạn TE sắp mua một cây tiêu trúc tím để tiếu ngạo giang hồ thì phải, xong mình chém một lúc, xong đánh ực một cái, bạn TE vỡ mộng. Hóa ra từ trước đến giờ bạn vẫn tưởng tuy mình không biết chơi nhạc cụ nào (trừ đánh đàn răng) nhưng tai mình sành nhạc cứ gọi là phải biết. Bạn có biết đâu 7 nốt nhạc (có 7 nốt đúng không nhỉ ?) mình chỉ biết mỗi nốt Đô-la, còn bảo mình đọc sheet, hay ký xướng âm thì thà bắt mình cúi xuống nói chuyện với đầu gối hoặc mắt cá chân còn hơn. Xong vẫn chưa cơn shock, bạn ngỡ ngàng hỏi thế nếu chả biết nốt nào vào với nốt nào thì mình nghe ca trù kiểu gì, ngồi làm cảnh thôi hả. Thú thật là lúc đấy mình cũng thấy mình đáng thương ghê lắm.

Nhưng thật ra một ngàn năm trước thì các cụ nghệ nhân cũng đâu biết nốt Đô – La, Euro gì ? Văn hóa phương Đông đặc điểm là chung chung, đi vào cảm tính, chứ không tách bạch rành rọt như phương Tây. Âm nhạc Việt Nam, kể cả nhạc của các dân tộc Tây Nguyên, hầu hết cũng đều có đặc điểm là không thể ký âm bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ của bọn Khoai tây được¹. Ví dụ như trong ca trù, xướng âm (đúng ra phải gọi là chữ nhạc) là tung tùng tang tếnh tủng dếnh dếnh, và các ngón nhấn, ngón chùn không thể nào ghi lại bằng Đồ, Rê, Mi, Pha, Sol, La, Si, Đô được. Chính vì thế, việc truyền dạy đàn đáy chỉ có thể dùng con đường truyền miệng, không thể tự học bằng giáo trình. Mà ngay cả việc viết ra một cái giáo trình đã không được rồi ấy chứ. Những người học nhạc cổ truyền theo phương pháp Tây, giỏi lắm là có thể trở thành thợ đàn, khó có được đẳng cấp đích thực như những nghệ nhân dân gian: đẳng cấp đích thực là sống được trong dân gian, không phải trong các thính phòng sang trọng.

Đấy là nói về chuyện học hành bài bản. Chuyện này vốn chẳng liên quan vì mình là người nghe chứ không phải người biểu diễn. Vậy nên mình nói tiếp về chuyện nghe.

Ông Hugh M. Miller phân chia việc thưởng thức âm nhạc thành 4 mức độ: thụ động, cảm giác, cảm xúctư duy. Mức độ thụ động thì chả nói rồi. Cảm giác là nghe mà không có kiến thức, giống như làn nước chảy xuội qua những kẽ tay. Cảm xúc cao hơn cảm giác một tí, là nghe mà có phản hồi. Còn ở mức tư duy, “bạn phải tập trung lắng nghe, hiểu được và phân tích, đánh giá bản nhạc, cũng như ý thức được mình đang có những tâm tình, ý nghĩ gì khi nghe bản nhạc này.”²

Mình thì mình nghĩ thế này: vứt mẹ nó cái tư duy đi. Quẳng bố cả ý thức đi. Bạn nhảy xuống bể bơi mà mặc nguyên quần áo bao giờ chưa ?

Ok, đồng ý kiến thức là cần thiết. Mình muốn yêu được một cái gì đấy thì dứt khoát phải hiểu về nó. Nhưng với tư cách một người nghe thuần túy, tức là không-phải-một-người-nghe-là dân trong nghề, thì lúc nghe, cần gỡ bỏ hết những gì mình đã biết, cũng như lúc bơi, mặc đồ bơi hoặc nếu được,… nude là ngon nhất. Quần áo chỉ là cái để ta mặc trên đường từ nhà đến bể bơi thôi.

Nếu như khoa học cần tư duy logic, lý tính, thì nghệ thuật cần cảm xúc. Nghe nhạc mà còn phải để tâm phân tích, “ý thức được mình đang có những tâm tình, ý nghĩ gì khi nghe bản nhạc này” thì còn mẹ gì là sung sướng nữa. Mình đã từng gạch một cái đầu dòng “Mọi so sánh đầu khập khiễng, nghĩa là mọi thứ đều có thể so sánh thoải mái với nhau, bởi đằng nào mà nó chả khập khiễng”. Cái để so sánh chính là mẫu số chung. Mẫu số chung của việc nghe nhạc phải là cảm xúc, là độ sướng, không phải những thông tin lý tính.

Mình nghĩ khác ông Miller, nghe nhạc thực ra chỉ có 3 cấp độ thôi. Mức độ thấp nhất là thờ ơ, nước đổ lá khoai, chả quan tâm, không hiểu hoặc không muốn hiểu. Người ta hoàn toàn đứng ngoài âm nhạc. Mức độ thứ hai là cảm nhận. Người ta có những rung động nhất định với bản nhạc. Các cảm xúc được âm nhạc khơi dậy, nhảy nhót lung tung trong ta. Ta nghe một cách bản năng. Còn mức độ thứ ba, mức độ cao nhất, là thưởng thức. Lúc này ta đã có những hiểu biết ít nhất là cơ bản, nhưng đồng thời, ta cũng đã cởi bỏ chúng. Ta cóc cần để ý đến những gì ta biết nữa. Ta đơn giản là chìm vào bản nhạc, ta bơi theo những làn sóng của nó, ta vùng vẫy và tung tăng. Với mỗi biến đổi nhỏ bé nhất, ví dụ như một nhạc công bỗng nhiên lạc điệu, ta nhận thức nó bằng sự tỉnh thức sáng ngời, nhưng không thèm phân tích. Ta thấu hiểu bản nhạc bên ngoài bằng bản nhạc bên trong ta. Ta vừa ở bên trong, lại vừa ở bên ngoài. Nói cách khác, ta không tồn tại như một cục vật chất mang hình người, cầm nắm được.

Thực tế là mình đã thấy rất nhiều người nghe ca trù, nhưng rồi lắc đầu chán nản, hoặc trầm lặng hơn, là ngồi gà gật, thỉnh thoảng giật mình ngáp dài tỉnh trong 3 phút, dọn đường cho cơn ngái ngủ tiếp theo, vì họ chả hiểu gì cả. Họ đến với những nghi ngờ và thắc mắc. Họ cảm thấy mình không hiểu gì cả, mà càng cố hiểu thì lại càng mù tịt. Họ mất niềm tin vào vốn hiểu biết của mình, vì thể loại này hoàn toàn không giống những gì họ từng nghe. Và cuối cùng, họ luống cuống như gà mắc tóc, khen hay, nhưng không bao giờ quay lại nữa. Trong khi đó, bọn Khoai Tây vào nghe thì lại chăm chú một cách thành thực và hầu hết bọn nó đều cảm thấy thích, dù không hiểu tí gì. Mình nghĩ một phần là vì bọn nó có một vốn văn hóa đủ chắc để dễ dàng chấp nhận với những gì khác với mình, phần khác vì chúng nó cũng tập xác định trước là chúng nó sẽ chả hiểu gì nên chả việc gì phải cố hiểu cả. Chúng nó thả lỏng, thoải mái, và từ đấy có thể thong dong mà cảm nhận.

Trong cuốn Góp nhặt cát đá (Thạch Sa tập) của Thiền sư Miju có một câu chuyện đại ý:

Nan-In là thiền sư Nhật rất nổi tiếng thời Minh – Trị. Một vị giáo sư đại học nghe danh ông nên đến gặp, phần để tham vấn về những gì mình chưa rõ, phần để thử xem Nan-In có thực sư giỏi như lời đồn không. Hai người gặp nhau, Nan-In mời trà, còn vị giáo sư thì thao thao bất tuyệt. Nan-In lẳng lặng châm trà vào chén, đến khi chén đầy mà vẫn tiếp tục rót, nước trà tràn ra ngoài. Vị giáo sư không kìm được, thốt “Thôi thôi, chén đầy tràn rồi, không rót thêm được nữa đâu !”.

Nan-In thong thả đáp  “Cũng như chiếc cốc này, ông đến đây với đầy định kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu cốc của ông không cạn ?

Kể lể dông dài cuối cùng cũng chỉ để đi đến một kết luận, là đối với người khác thì không biết, chứ mình không thấy có vấn đề gì lớn lắm nếu mình không biết nốt Đô và nốt Đố khác nhau ở chỗ nào. Nhiều khi không biết lại hay, đỡ mất công cởi bỏ mớ kiến thức bác học để lắng nghe một cách chất phác.

mọi tai trâu sinh ra đều bình đẳng.

—————————-

¹ Tham khảo: Trần Văn Khê – Phương pháp giáo dục âm nhạc truyền thống

² Tham khảo: Hugh M. Miller – An introduction to music

Cao Kỳ Hương – Muốn sành nhạc cổ điển

Theo dõi blog

3 Comments

  1. May 3, 2011
    Reply

    Cảm ơn luôn cả những cái link tham khảo :D

  2. June 6, 2017
    Reply

    Cảm ơn bạn về những bài viết về âm nhạc.

    Mình có viết một comment hơi dài một chút mà không sao đăng được. Có phải vì nó quá dài không bạn?

Quăng một viên đá/ Tặng một bông hoa ?